“Thành phố rất thiếu trường học, bệnh viện, các công trình văn hóa, giao thông. Nhiều dự án phải “treo” nhiều năm là do thiếu kinh phí thực hiện. Trong khi đó nhà, đất công là nguồn lực rất lớn lại sử dụng lãng phí”. Ông Cao Thanh Bình (ảnh), Phó ban Kinh tế-Ngân sách, HĐND TP.HCM, nhận xét như trên về tình trạng quản lý, sử dụng đất công trên địa bàn TP.HCM.
Bảng giá lạc hậu nhưng không ai sửa
Phóng viên: HĐND đang có chương trình giám sát về việc quản lý, sử dụng đất công tại 24 quận, huyện, các sở và doanh nghiệp nhà nước. Đánh giá của ông như thế nào về thực trạng quản lý, sử dụng đất công trên địa bàn TP?
Ông Cao Thanh Bình: Qua chương trình giám sát, chúng tôi nhận thấy đa phần các địa chỉ nhà, đất công hiện nay đang được sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực rất lớn. Từ các địa chỉ đất công do quận, huyện, các sở và doanh nghiệp nhà nước cho đến UBND TP và các bộ, ngành trung ương quản lý đều chưa thật sự có hiệu quả. Trong một thời gian dài, các đơn vị quản lý, sử dụng cũng chưa thật sự quan tâm đúng mức.
. Theo ông, tình trạng nào là phổ biến nhất?
Tại các địa phương hiện nay, các địa chỉ nhà, đất công cho thuê thì bị người thuê cho thuê lại và sử dụng không đúng công năng, mục đích. Đây là tình trạng xảy ra rất phổ biến. Chẳng hạn có những đơn vị thuê để sử dụng vào mục đích sự nghiệp nhưng khi tôi đến kiểm tra thực tế thì là quán nhậu. Hay như tại đường Thành Thái, quận 10 ký hợp đồng cho một hộ thuê kinh doanh cây kiểng nhưng hộ này lại cho hàng chục hộ khác thuê lại… Cùng với đó là lãng phí về giá cho thuê. Chúng tôi rất trăn trở vì sao tại thời điểm này mà vẫn sử dụng bảng giá cho thuê nhà của 22 năm trước (Văn bản 3336/1994 của UBND TP – PV). Vì sao các sở, ngành chậm tham mưu cho TP và vì sao TP trong một thời gian rất dài mà không ban hành quy định về giá thuê mới?
Chợ Tân Phú ở quận 9 xây hàng tỉ đồng nhưng sử dụng lãng phí nhiều năm nay. Ảnh: Việt Hoa
TP cần mạnh dạn với các bộ, ngành để thu hồi
Hiện nay không chỉ các địa chỉ nhà, đất do TP quản lý mà của bộ, ngành trung ương bỏ hoang nhiều năm. Có một số địa chỉ TP đã thu hồi được nhưng sau khi thu hồi về rồi lại tiếp tục bỏ trống. Ông nhìn nhận như thế nào về việc này?
Đúng là có tình trạng này. Có nhiều khu đất trước đây do các bộ, ngành trung ương quản lý, để thu hồi lại TP đã rất vất vả. Tuy nhiên, sau khi thu hồi TP tạm giao cho quận, huyện để chờ thực hiện quy hoạch, tuy nhiên các địa phương cũng chưa thật sự quan tâm nhiều. Lẽ ra TP cần phải mạnh dạn làm việc với các bộ, ngành trung ương, nếu đất đó quy hoạch không sử dụng đúng mục đích thì đề nghị giao lại cho TP. Khi đã thu hồi về để thực hiện dự án thì phải cam kết lộ trình thực hiện. Hiện nay theo Sở TN&MT, trong nhiều năm qua TP đã thu hồi hàng trăm dự án giao cho doanh nghiệp nhưng chậm triển khai. Tuy nhiên, các dự án của các đơn vị nhà nước thì lại chây ỳ. Có nhiều đơn vị nhà nước được giao đất chậm thực hiện dự án, sử dụng không đúng mục đích. Đã nhiều lần TP chỉ đạo xử lý và nhiều kết luận thanh tra nhưng chưa thực hiện đầy đủ, kéo dài thời gian thực hiện (như ở quận 6).
Ông đề nghị những việc nào mà TP cần làm ngay để tránh lãng phí đất công?
Theo tôi, đầu tiên TP cần phải nhanh chóng rà soát, thống kê đầy đủ các địa chỉ nhà, đất công trên địa bàn TP và nhanh chóng xác lập hồ sơ nhà, đất công. Sau khi rà soát xong thì cần đánh giá, phân tích để có phương án khai thác, sử dụng hiệu quả nhất. Theo thống kê chưa đầy đủ thì toàn TP có gần 13.000 địa chỉ nhà, đất công. Nếu khai thác hiệu quả thì đây sẽ là một nguồn lực rất to lớn để TP tái đầu tư phát triển. TP hiện đang thiếu trường lớp, các công trình văn hóa, các công trình hạ tầng giao thông cũng rất khát vốn trong khi ngân sách không đáp ứng đủ. TP càng chậm rà soát ngày nào thì càng lãng phí ngày đó.
Kế đến là phải khẩn trương ban hành giá cho thuê mới sát với thị trường để tránh thất thoát ngân sách. Đồng thời tiến hành công khai đấu giá các khu đất. TP cũng cần làm rõ và chấn chỉnh tình trạng cho thuê sai thẩm quyền, thuê không sát giá thực tế, nộp ngân sách không đầy đủ. Đồng thời có lộ trình để thực hiện các dự án công cộng chứ không thể tiếp tục kéo dài gây lãng phí nguồn lực.