TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, chỉ ra những xung lực chờ đón thị trường Bất động sản năm 2021 và nhiều năm tới.
Ảnh minh hoạ
Thứ nhất, tình hình dịch bệnh đã khiến thị trường buộc phải điều chỉnh một cách nhanh nhạy, trong đó có việc áp dụng công nghệ vào bán hàng. Toàn cảnh ngành bất động sản 2021 dự báo khả quan với tăng trưởng kinh tế dự báo tăng 6,5-7%, và bình quân 10 năm tới có thể đạt 7%, nếu Việt Nam làm tốt các đột phá đã xác định cho giai đoạn tới.
Thứ hai là xung lực pháp lý. Những luật sửa đổi bổ sung như Luật Doanh nghiệp với nhiều điểm tinh giản đáng kể. Luật Chứng khoản bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm với điểm nhấn là huy động vốn từ các quỹ sẽ là động lực cho doanh nghiệp.
Thứ ba là dịch chuyển chuỗi cung ứng và sản xuất đầu tư nước ngoài. Cơ hội mới được tạo ra trong bối cảnh doanh nghiệp quốc tế tìm đến những vùng đất mới an toàn và rẻ hơn. Trong số 30 doanh nghiệp Nhật Bản thông báo chuyển nhà máy ra khỏi Nhật Bản thì có 15 doanh nghiệp chọn Việt Nam. Đây là chuyện chưa từng có trước đây với nhiều doanh nghiệp thuộc top đầu ở Nhật Bản.
Thứ tư là giải ngân đầu tư công nhanh. Khi kinh tế suy thoái, đầu tư công là kênh đầu tư rất tốt, mức độ lan toả nhanh hơn. Giải ngân đầu tư công nhanh đóng góp chung cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế cả nước, tương đương 0,2%.
Thứ năm là chuyển đổi số. Theo ông Lực, với kinh doanh bất động sản, chuyển đổi số vô cùng tốt và nhanh. Công nghệ tạo ra một hệ sinh thái mới với cơ hội tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn.
Xung lực cuối cùng là lãi suất. Đây là thời điểm lãi suất thấp nhất trong 15 năm qua. Các hộ gia đình, người trẻ sẽ thuận lợi để mua nhà, hay đầu tư.
Tuy vậy, theo ông Lực, thị trường vẫn chứng kiến ba rủi ro về pháp lý, dịch bệnh chưa kết thúc và đòn bẩy tài chính. “Dù nhà đầu tư Việt Nam đã quen với những vấn đề trên nhưng vẫn cần thận trọng. Bởi ở thời điểm này, thị trường như bước sang một trang mới”, ông Lực đánh giá.