Cuộc hẹn của chúng tôi với Shark Hưng diễn ra chóng vánh, chỉ nửa tiếng đồng hồ vào một ngày Chủ nhật khi ông vào TP.HCM dự hội thảo về đầu tư bất động sản. Thế nhưng, trong 30 phút ngắn ngủi ấy, vị Shark nổi tiếng hoạt ngôn đã có những chia sẻ thú vị về nghề và những tham vọng thay đổi cách làm môi giới. Nhất là khi người ta nói nhiều đến công nghệ 4.0, về cách mà công nghệ tác động đến sự thay đổi của hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực và môi giới bất động sản cũng không ngoại lệ.
– Hiện nay, nhiều bạn trẻ chọn kinh doanh bất động sản như một ngã rẽ vì không tìm được việc làm. Ông suy nghĩ gì về điều này?
Tôi đồng ý, có rất nhiều bạn trẻ chọn nghề môi giới bất động sản vì không tìm được việc làm hơn là quyết tâm theo đuổi nghề. Vì vậy, khi phỏng vấn tôi chỉ hỏi vài ba câu là biết được người đó có đam mê với nghề môi giới hay không, hay đang thất nghiệp và cần một việc làm. Dường như xin vào làm nghề môi giới là dễ nhất vì các sàn, các công ty đều tuyển dụng ồ ạt. Nhưng tuyển dụng rồi, các bạn có thích ứng được hay không, có thu nhập từ nghề môi giới hay không lại là câu chuyện khác. Tỷ lệ đào thải trong nghề môi giới rất cao. Có đến 50% các bạn vào nghề môi giới không thành công và thay đổi nghề nghiệp. Đây là vấn đề thực sự của nghề môi giới vì nhiều bạn bước chân vào nhưng không hiểu được nghề này phức tạp ra sao. Môi giới bất động sản đòi hỏi kiến thức tổng hợp về nhiều lĩnh vực.
Bạn phải có kiến thức chuyên sâu về bất động sản, về tài chính, phong thủy, xây dựng…thì mới có thể tư vấn và thuyết phục khách hàng. Tôi hay nói vui rằng làm nghề môi giới phải “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý” là vậy. Một yếu tố nữa là, môi giới là một nghề vất vả. Các bạn phải thức đêm thức hôm với nó, phải trải qua nắng mưa gió bão và phải rất kiên trì mới làm được nghề này. Các bạn nào muốn làm phải xác định như vậy. Bạn có thể sẽ có thu nhập rất cao nhưng cũng phải trải qua sự cạnh tranh khốc liệt.
– Nhiều năm ở vị trí lãnh đạo của một doanh nghiệp chuyên môi giới bất động sản, điều ông trăn trở nhất là gì?
Thực ra nghề môi giới bất động sản mới được hình thành tầm 10 năm trở lại đây. Từ năm 2006, chúng ta có Luật kinh doanh bất động sản, nhưng đến năm 2008 mới có các nghị định và thông tư hướng dẫn thực hiện. Vì vậy, cho đến nay chỉ khoảng 10 năm nghề môi giới được thừa nhận như một nghề kinh doanh chính thức.
Trăn trở nhất của tôi là hệ thống đào tạo, huấn luyện cho các bạn môi giới để các bạn trở thành môi giới chuyên nghiệp chứ không phải tự phát như hiện nay. Hiện nay, hầu như những người làm nghề môi giới thành công đều phải tự mày mò, tự học hỏi. Đôi khi thất bại cũng không biết tại sao lại thất bại, và thành công cũng không biết tại sao lại thành công. Giống như hên xui vậy. Các bạn môi giới thường nghĩ là hên xui, nhưng tôi nghĩ rằng tất cả đều có nguyên nhân của nó chứ không hên xui gì cả.
Dù cũng có nhiều giáo trình, giáo án và các trường học cũng có khoa kinh doanh bất động sản, nhưng vì quá mới nên kể cả những người biên soạn giáo trình, giáo án cũng vừa biên soạn vừa mò mẫm nên chất lượng cũng chưa thực sự tốt.
– Hiện nay, môi giới ngoại đang đổ bộ vào Việt Nam và cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp. Là một doanh nghiệp nội, ông có lo ngại áp lực cạnh tranh từ các doanh nghiệp ngoại khi dường như họ có cách làm bài bản hơn, đội ngũ cũng chất lượng hơn?
Thật ra những năm đầu tiên của thị trường bất động sản là sự thống lĩnh của các công ty môi giới nước ngoài. Nhưng những năm gần đây, chúng ta thấy môi giới trong nước đã lật ngược thế cờ. Các công ty môi giới trong nước đang chiếm thị phần phân phối.
Dù vậy cũng phải thừa nhận, ở phân khúc cao cấp thì các công ty môi giới ngoại thể hiện sự nổi trội hơn vì họ có quy trình công việc, cách đào tạo huấn luyện nhân viên cũng bài bản và chuyên nghiệp hơn. Đồng thời cách làm của họ có khác một chút.
Ở phân khúc cao cấp họ dùng kỹ thuật để kéo khách thay vì những kỹ thuật đẩy (push). Nhưng Việt Nam là thị trường mới nổi nên ở phân khúc trung và thấp cấp thì kỹ thuật đẩy, tức là tạo áp lực và thưởng hoa hồng cho môi giới để họ đi tìm khách, thể hiện sự ưu việt hơn trong thời gian vừa qua. Thế nhưng trong xu hướng chung của thế giới, tôi cho rằng bất động sản sẽ phải đi theo công nghệ kéo, giảm bớt tình trạng phiền nhiễu khách như spam mail, spam điện thoại, phát tờ rơi, telesales hay có những hành động ép khách mua một cách phản cảm sẽ phải thay đổi.
Những công ty nào ở Việt Nam có thể tận dụng được cả hai đặc tính của thị trường. Đó là chủ động và năng động hơn của môi giới đi tìm khách cộng với tính chuyên nghiệp và hỗ trợ môi giới trong việc kéo khách đến dự án thì sẽ thành công.
– Hiện nay, hầu hết các lĩnh vực đều ứng dụng công nghệ thông tin và bất động sản cũng không ngoại lệ. Theo ông, điều này sẽ tác động như thế nào đến ngành môi giới bất động sản?
Đây là điều chắc chắn. Chúng tôi đã nắm bắt được xu hướng này và có sự chuẩn bị từ cách đây vài năm. Chúng tôi mở ra công cụ bán hàng, cho phép tất cả những nhân viên môi giới trên cả nước liên kết với sàn giao dịch của chúng tôi để lấy hàng, để chăm sóc khách hàng và để được hỗ trợ.
Hiện nay, chúng tôi đã nâng cấp lên bản mới là Cenhomes. Đây sẽ một trong những mô hình như chợ giao dịch có đầy đủ các chủ thể liên quan đến giao dịch. Với sự ứng dụng công nghệ hiện đại như công nghệ thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo để thay nhân viên môi giới tư vấn cho khách hàng, có thể sử dụng big data để cung cấp cơ sở dữ liệu về giá, về hành vi người dùng, về quy hoạch và thông tin về giao dịch trong quá khứ của bất động sản.
Chúng tôi sẽ liên kết các yếu tố này với nhau một cách đơn giản thông qua các app trên điện thoại di động. Đây là cách thức mà chúng tôi hướng đến trong tương lai.
– Liệu ông có quá tham vọng không khi mà việc minh bạch thông tin gần như vẫn là trở ngại khá lớn trong các giao dịch bất động sản trên thị trường Việt Nam?
Chúng tôi sẽ phát triển hệ thống cộng tác viên và đại lý ủy quyền. Thậm chí hệ thống đại lý này sẽ lên đến con số hàng ngàn đại lý ủy quyền trên toàn quốc và đại lý đó phải tự đến đó để kiểm chứng chứ không để cho khách hàng tự đăng lên. Đó là điểm khác biệt, các đại lý phải kiểm chứng, xác minh về giao dịch và chịu trách nhiệm trước khi đưa thông tin lên.
– Nhiều chuyên gia cho rằng giá bất động sản đã đạt đỉnh nên mức độ giao dịch sôi động thời gian tới sẽ giảm, quan điểm của ông như thế nào?
Sự sụt giảm này chủ yếu vì nó chia đều cho các dự án, đặc biệt là các dự án ở phía Bắc. Nếu tính chung quy mô toàn thị trường, tôi cho rằng sự sụt giảm này không đáng kể.
Điều này cũng không phải là dấu hiệu đáng lo ngại vì giao dịch có thể chuyển từ dự án này sang dự án khác, từ loại hình này sang loại hình khác. Còn quy mô toàn thị trường tôi thấy không có vấn đề gì lớn đáng lo ngại.