Bình Định có gì?
Bình Định là một trong 5 tỉnh, thành phố của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nằm ở trung tâm của trục Bắc – Nam trên cả 3 tuyến đường bộ, đường sắt và đường hàng không.
Đây còn là cửa ngõ ra biển gần nhất và thuận lợi nhất của Tây Nguyên, nam Lào, đông bắc Campuchia và Thái Lan (bằng cảng biển quốc tế Quy Nhơn và Quốc lộ 19). Với vị trí này, Bình Định có lợi thế vượt trội trong liên kết, giao lưu kinh tế khu vực và quốc tế.
Bình Định đang tập trung xây dựng và phát triển Khu kinh tế Nhơn Hội trên diện tích 12.000 ha ngay sát thành phố Quy Nhơn với những dự án quy mô lớn.
Khu Kinh tế Nhơn Hội được xây dựng và phát triển thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, có quy chế hoạt động riêng được vận hành theo cơ chế ưu đãi đặc biệt, là trung tâm và động lực phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bình Định và của khu vực miền Trung.
Tại Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh cũng đang thể hiện thiện chí mời gọi hợp tác, đầu tư từ các đối tác trong và ngoài nước với quyết tâm biến tiềm năng thành nguồn lực thực tế phát triển kinh tế – xã hội tỉnh nhà.
Ngoài ra, Bình Định hiện đã trở thành một điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, thu hút sự quan tâm của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
Chỉ tính đến cuối năm 2019 (trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra), khách du lịch đến tỉnh đạt 4.829.000 lượt (tăng bình quân 16,7%/năm), doanh thu du lịch đạt 6.000 tỉ đồng (tăng bình quân 55%/năm); đóng góp trực tiếp của hoạt động du lịch vào GRDP của tỉnh là 7,2% và tổng đóng góp của hoạt động du lịch là 17,98%.
Việc đầu tư, phát triển du lịch được tỉnh quan tâm, bước đầu đã hình thành một số sản phẩm du lịch đặc thù ngày càng có sức thu hút và lan tỏa.
Công tác quy hoạch, phát triển tài nguyên du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch đã được Bình Định tập trung đầu tư, từng bước hoàn thiện.
Hoạt động thu hút đầu tư phát triển du lịch tại tỉnh cũng được đẩy mạnh, số dự án đầu tư lĩnh vực du lịch chiếm tỷ lệ cao trong số các dự án đầu tư vào tỉnh. Nhiều dự án du lịch đã hoàn thành và đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả.
Những thành tựu đạt được của hoạt động du lịch là tiền đề quan trọng để du lịch tiếp tục phát triển và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong những năm tới.
Theo đó, Bình Định phấn đấu đến năm 2025, tổng đóng góp của hoạt động du lịch bao gồm đóng góp trực tiếp và đóng góp gián tiếp (lan tỏa) vào GRDP tỉnh Bình Định đạt 20%. Trong đó, đóng góp trực tiếp của hoạt động du lịch đạt 10%, đóng góp gián tiếp đạt 10%.
Song song với đó, phấn đấu đến năm 2025, lượng khách du lịch đến tỉnh ước đạt 8 triệu lượt, trong đó có 1,5 triệu lượt khách quốc tế.
Tỉnh cũng phấn đấu thu hút đầu tư phòng lưu trú đạt 25.000 phòng, đồng thời thu hút đầu tư 2 – 3 khu vui chơi, giải trí và trung tâm thương mại – mua sắm cao cấp.
Hiện nay, Bình Định cũng đang khẩn trương triển khai lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 20250 và dự kiến sẽ trình HĐND tỉnh Bình Định thông qua tại kỳ họp vào ngày 7/9 tới đây.
Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế đặc thù để phát triển Bình Định trở thành tỉnh có nền kinh tế công nghiệp, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao.
Đây sẽ là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và du lịch của vùng duyên hải miền Trung – Tây Nguyên; là trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; đầu nối giao thương kinh tế, đối ngoại quan trọng giữa Việt Nam với các nước tiểu vùng sông Mê Kông; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại;…
Quy hoạch tỉnh cũng sẽ đưa ra các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp đẩy nhanh thực hiện các khâu đột phá chiến lược về hạ tầng, nhân lực, kinh tế biển, công nghiệp, du lịch, nông, lâm nghiệp và thủy sản ứng dụng công nghệ cao…
Dòng vốn lớn đổ vào bất động sản Bình Định
Sở Xây dựng tỉnh Bình Định cho biết, tính đến tháng 8/2022, trên địa bàn tỉnh Bình Định hiện có nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị, khu du lịch đang triển khai xây dựng.
Trong số đó có rất nhiều dự án quy mô lớn như, Khu dân cư Hưng Thịnh quy mô 3.265 tỷ đồng; Khu đô thị An Phú Thịnh quy mô 2.450 tỷ đồng; Khu đô thị mới khu vực Chợ Góc (CG01) quy mô khoảng hơn 1.777 tỉ đồng; Khu dân cư Ánh Việt quy mô 1.359 tỉ đồng; Trung tâm trí tuệ nhân tạo – đô thị phụ trợ, thành phố Quy Nhơn quy mô 4.362 tỉ đồng; Khu đô thị NĐT-1 Tây đường Quốc lộ 19 (mới) quy mô 2.950 tỉ đồng.
Dự án Khu đô thị NĐT-2 Tây đường Quốc lộ 19 (mới) quy mô 3.010 tỉ đồng; Khu đô thị Long Vân 2 quy mô 2.456 tỉ đồng; Khu đô thị Long Vân 3 quy mô 2.550 tỉ đồng; Khu đô thị Long Vân 4 quy mô 2.220 tỉ đồng; Khu đô thị mới Nhơn Bình quy mô 2.480 tỉ đồng.
Bên cạnh đó còn có dự án Khu đô thị xanh Đông Bắc Diêu Trì, huyện Tuy Phước quy mô 2.255 tỉ đồng; Khu đô thị Nam đường Hùng Vương quy mô 2.406 tỉ đồng; Khu đô thị Vân Hà quy mô 2.303 tỉ đồng; Khu dân cư kết hợp chỉnh trang đô thị Bắc Hà Thanh tại xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước quy mô 2.342 tỉ đồng.
Dự án Khu đô thị và du lịch sinh thái Diêm Vân quy mô 4.990 tỉ đồng; Khu đô thị Bình Chương Nam, phường Hoài Đức quy mô 1.646 tỉ đồng; Khu đô thị Trà Quang Nam, thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ quy mô 1.457 tỉ đồng; Chuyển đổi trên đất ở đô thị trên một phần diện tích của dự án trung tâm thương mại dịch vụ Du lịch Nhơn Hội quy mô 1.952 tỉ đồng.
Đặc biệt, trên địa bàn Khu kinh tế Nhơn Hội cũng hiện đang triển khai nhiều dự án quy mô lớn như, dự án Đầu tư phát triển đô thị tại Phân khu số 4 thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội quy mô 7.494 tỉ đồng; Dự án Đầu tư phát triển đô thị tại Phân khu số 2 thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội quy mô 9.153 tỉ đồng; Dự án Đầu tư phát triển đô thị tại Phân khu số 9 thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội quy mô 10.683 tỉ đồng.