Hàng trăm cuộc gọi mời chào đầu tư đất Hòa Bình và Vĩnh Phúc
Chỉ trong 2 sáng cuối tuần, anh Hoàng Văn Thịnh, một nhà đầu tư đất nền ở Hà Nội liên tiếp nhận hàng chục cuộc gọi của T., một nhân viên tư vấn bất động sản (BĐS), giới thiệu về cơ hội, tiềm năng đất nền tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo lời chia sẻ của của T., bất chấp đại dịch Covid-19, thị trường BĐS Vĩnh Phúc nói chung, huyện Vĩnh Tường và Thị xã Vĩnh Yên nói riêng đang tăng “nóng” trong suốt năm 2020.
Tại huyện Vĩnh Tường, đất nền một số khu vực thuộc các xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Ninh và Tuân Chính đã tăng từ 1,5 – 2,5 lần so với cuối năm 2019. Đơn cử, tại thôn Phù Chính, xã Tuân Chính đã tăng từ 7 triệu đồng/m2, lên 13 – 16 triệu đồng/m2 (đối với đất mặt đường).
Tương tự, tại xã Vĩnh Thịnh, nhất là khu vực giáp với Thị xã Sơn Tây (Hà Nội), giá đất nền cũng đã tăng lên 14 – 16 triệu đồng/m2, so với mức giá 10 – 12 triệu đồng/m2 của cuối năm 2019.
Đất nền Hòa Bình tăng “nóng” trong suốt 3 năm qua
Cũng theo lời tư vấn của T., bên cạnh huyện Vĩnh Tường, đất nền tại Thị xã Vĩnh Yên cũng đang tăng phi mã, lực tăng mạnh nhất bắt đầu từ thời điểm tháng 7/2020.
Ví dụ, tại khu đô thị Nam Vĩnh Yên, giá đất ở các vị trí đẹp đã tăng từ 2 tỷ đồng/lô 100 m2 (tương đương 20 triệu đồng/m2), thì nay đã vượt lên ngưỡng 4 tỷ đồng/lô 100 m2 (tương đương 40 triệu đồng/m2), tăng gấp đôi. Với đất nền xung quanh trục đường Quốc lộ 2 đi qua Thị xã Vĩnh Yên cũng tăng 20 triệu đồng/m2 lên ngưỡng 26 – 30 triệu đồng/m2.
Theo chia sẻ của T., với tốc độ tăng “nóng” như hiện nay, nhiều khả năng đến cận Tết Nguyên đán 2021, giá đất nền tại huyện Vĩnh Tường và Thị xã Vĩnh Yên sẽ tiếp tục tăng thêm từ 10% – 20% giá trị.
Trao đổi với PV báo Dân trí, anh Thịnh cho rằng, thị trường BĐS Vĩnh Phúc nói chung, huyện Vĩnh Tường và Thị xã Vinh Yên nói riêng có nhiều lợi thế và tiềm năng, như hệ thống giao thông tương đối hoàn thiện và giáp ranh với Hà Nội.
“Dù BĐS có nhiều tiềm năng, song mức độ tăng “nóng” 200%, thậm chí là 250% có phần “ảo” nhiều hơn. Tôi cho rằng, đây có thể là chiêu trò thổi giá của giới cò đất. Bởi vì, cuối năm luôn là giai đoạn cao điểm của mùa mua sắm và đầu tư, đây chính là “thời điểm vàng” để giới cò đất tung chiêu thổi giá”, ông Thịnh nói.
Không chỉ ở Vĩnh Phúc, Hòa Bình cũng là 1 địa phương đang có tốc độ tăng giá đất nền khá mạnh tại miền Bắc. Trong đó, phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng là lợi thế của địa phương này.
Tại Hòa Bình, 2 huyện Kỳ Sơn và Lương Sơn được nhiều nhà đầu tư “chọn mặt, gửi vàng” nhất. Suốt 3 năm qua, giá đất nền tại 2 huyện này cũng tăng bình quân 40% – 50% qua mỗi năm.
Đơn cử, tại một dự án phân lô, bán nền tại huyện Lương Sơn, giá đất đã tăng từ vài trăm nghìn đồng/m2 vào năm 2016, lên 5 triệu đồng/m2 vào thời điểm đầu năm 2020. Cho tới nay, giá đất nền tại khu vực này đã tăng tới 5,5 triệu đồng/m2.
Cẩn trọng “sốt ảo”
Nhiều chuyên gia BĐS nhìn nhận, xu hướng “đón sóng” đất nền từ các thị trường tỉnh lẻ, giáp ranh với Hà Nội đang phát triển bùng nổ trong 2 năm qua.
Nghiên cứu từ trang batdongsan.com.vn cho thấy, 6 tỉnh miền Bắc đứng đầu về lượng tìm kiếm thông tin gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hưng Yên và Vĩnh Phúc.
Đất thổ cư tại Thị xã Vĩnh Yên tăng nhiệt cuối năm
Đặc biệt, Hòa Bình là tỉnh có mức độ quan tâm tăng trưởng nổi bật trong quý II/2020. Mức độ quan tâm ở Hòa Bình tăng trưởng mạnh, áp đảo so với 5 tỉnh nằm trong top đầu về lượng tìm kiếm người dùng trên trang thông tin nhà đất của đơn vị này, chiếm 77%.
Trong đó, Kỳ Sơn và Lương Sơn là hai huyện có lượng quan tâm tìm kiếm nhiều nhất với mức tăng trưởng tìm kiếm lần lượt là 81% và 77%. Tiếp đến là Quảng Ninh với mức tăng trưởng 45% và Vĩnh Phúc với mức tăng 41%. Bất động sản liền thổ gồm biệt thự, liền kề, đất thổ cư và đất nền là những loại hình được tìm kiếm nhiều nhất tại các thị trường phía Bắc.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhìn nhận, đất nền ở các địa phương giáp với Hà Nội có tiềm năng sinh lời cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, tốc độ tăng giá lên tới 200 – 300% chỉ trong thời gian ngắn là điều bất hợp lý. Đây có thể dấu hiệu đầu tiên của “cơn sốt ảo” trong tương lai gần.
“Thị trường BĐS an toàn, khi tốc độ tăng giá hàng năm dao động dưới 10%. Trên 10% đã có dấu hiệu làm giá, tăng giá ảo. Còn tăng giá gấp đôi, gấp 3 lần trong 1 năm, chắc chắn là tăng ảo và nhà đầu tư nên cẩn trọng với sự tăng giá bộc phát này”, ông Đính nói.