Về việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất xuống phía Nam, TS Nguyễn Thiện Tống nhận định rằng lập luận của ADPi dù đúng nhưng “quá cục bộ, quá đơn giản”. Cách làm này chỉ giải quyết vấn đề bên trong sân bay, bỏ mặc giao thông bên ngoài sân bay.
Các phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất tiếp tục nhận được nhiều ý kiến phản biện sau báo cáo của đơn vị tư vấn.
Trước báo cáo của đơn vị Tư vấn ADPi Engineering (Pháp) về phương án mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, Tiến sĩ (TS) Nguyễn Thiện Tống – chuyên gia hàng không, người thuộc tổ tư vấn cho Thành ủy TP.HCM về phương án trên đã có ý kiến phản biện.
“Nhập nhèm” ngôn ngữ khiến mọi người hiểu lầm?
Trả lời Infonet, TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, cách sử dụng ngôn từ của đơn vị tư vấn đã làm cho mọi người “hiểu lầm”.
“Phương pháp tiếp cận của họ không tham khảo nhu cầu, không đánh giá và họ làm mọi người hiểu lầm rằng 50 triệu (lượt hành khách/năm vào năm 2025) là nhu cầu. Trong khi đó, con số này là khả năng cung chứ không phải cầu” – TS Tống nói.
Theo ông Tống, dự báo về nhu cầu cần phải dựa vào thống kê cũ, trong thời gian qua gia tăng làm sao? Nếu giữ tốc độ tăng trưởng đó thì tương lai sẽ lên bao nhiêu? Nếu giảm tốc độ cũng sẽ tăng trưởng lên bao nhiêu?
“Nhóm chúng tôi làm rất kỹ và dựa theo khoa học dự báo quốc tế. Trong đó có một điểm là tốc độ gia tăng hành khách sẽ tương quan với sự phát triển kinh tế. Khi kinh tế phát triển, người có thể đi được hành không sẽ tăng lên”.
Theo nhóm nghiên cứu, với Việt Nam, trong thời gian vừa qua, tốc độ tăng trưởng lượng khách đi máy bay là gấp hơn 2 lần tốc độ GDP. Như vậy với mức tăng GDP khoảng 6%/năm thì tốc độ tăng trưởng nhu cầu hành khách đi máy bay phải hơn 12% (so với mức tăng gần 3% như cách tính của đơn vị tư vấn).
“Số liệu của chúng tôi khớp với số liệu thống kê thời gian qua, là mức tăng trưởng khoảng 15%” – TS Tống nhấn mạnh.
Cũng theo ông: “ADPi không dự báo về nhu cầu, họ chỉ nói đến cái cung ứng của Tân Sơn Nhất, như vậy rất là sai lệch. Chúng tôi cũng đưa ra 3 mức độ tăng trưởng và ở mức 10 – 12% thì cũng ra con số trên 75 triệu lượt, trong khi Hiệp hội Hàng không quốc tế còn dự báo cho mình tới 79 triệu lượt”.
Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống
Chỉ lo bên trong, bỏ mặc bên ngoài
Về việc mở rộng sân bay xuống phía Nam, TS Tống nhận định rằng lập luận của ADPi dù đúng nhưng “quá cục bộ, quá đơn giản”, khi cho rằng làm nhà ga phía Bắc phải kết nối với nhà ga phía Nam.
“Làm gần (mở về phía Nam – PV) thì khách tới lui tiện còn làm bên kia (phía Bắc – PV), khách phải đi qua đi lại, sẽ tốn kém hơn… Đúng là như vậy! Nhưng nếu thế mình chỉ lo bên trong sân bay mà mặc kệ tác hại cho bên ngoài sân bay! Ai cũng thấy cung đường phía Nam đang kẹt, giờ mở thêm nhà ga phía góc Tây Nam cũng là nút kẹt xe. Vậy thì họ đã sai về chiến lược” – ông cho hay.
TS Tống nhận định rằng khách đến sân bay không phải chỉ từ trung tâm thành phố mà trên 50% là từ các tỉnh, do vậy việc mở nhà ga phía Bắc sẽ thuận tiện hơn.
Dù thiết kế này có thể tốn kém một chút vì phải kết nối, nhưng nhà ga hành khách mới sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất nhanh, do vậy không thể lấy đó “làm cớ” để không làm nhà ga và tạo thêm kẹt xe cho phía Nam.
“Hiện nay có thể thiết kế lại đường vòng quanh sân bay, chỗ nào cần thiết thì làm hầm chui qua đường cất hạ cánh, nhiều sân bay nước ngoài đã làm như vậy, việc đó không tốn kém bao nhiêu” – ông Tống khẳng định.