Đồ án quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nghiên cứu lập đã hoàn thiện để trình Chính phủ.

90 3

PGS.TS Lê Thị Bích Thuận – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng
Theo giới chuyên gia, đồ án này nếu được thông qua không chỉ khơi thông nội lực của đô thị vệ tinh (ĐTVT) Hòa Lạc mà còn tạo sự bứt phá cho các ĐTVT lân cận. PGS.TS Lê Thị Bích Thuận – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng khuyến nghị sớm phê duyệt ĐTVT Hòa Lạc để làm căn cứ kêu gọi nhà đầu tư triển khai các dự án trên địa bàn.
Vì sao bà lại nhấn mạnh cần sớm hình thành ĐTVT Hòa Lạc?
– ĐTVT Hòa Lạc có diện tích lớn nhất trong số các ĐTVT với quy mô khoảng 17.294ha, khi hình thành sẽ tạo động lực phát triển cho một vùng rộng lớn phía Tây Thủ đô, bao gồm ĐTVT Sơn Tây, ĐTVT Xuân Mai và khu vực nằm giữa ĐTVT Hòa Lạc và đô thị trung tâm.
Từ đó, tạo ra hiệu quả lớn để giảm tải cho khu vực nội đô. Khu vực ĐTVT Hòa Lạc có điều kiện địa chất, địa hình ổn định, đã hình thành điều kiện hạ tầng giao thông cơ bản kết nối với đô thị trung tâm theo Đại lộ Thăng Long, kết nối giao thông Bắc – Nam theo đường Hồ Chí Minh.
Phát triển ĐTVT Hòa Lạc vì thế góp phần thúc đẩy các dự án lớn về cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội đã được quy hoạch và đang từng bước đầu tư xây dựng như Khu công nghệ cao Hòa Lạc; khu Đại học Quốc gia, khu du lịch Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam…
Thời hạn tới năm 2030 liệu có kịp để phát triển vững chắc một đô thị lớn như Hòa Lạc?
– Theo Luật Quy hoạch đô thị, thời hạn quy hoạch với quy hoạch chung TP thuộc tỉnh, thị xã từ 20 – 25 năm. Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 497/QĐ-TTg ngày 14/4/2015. Đồ án được triển khai đến năm 2016. Sau khi đồ án được Thủ tướng phê duyệt, bước tiếp theo sẽ triển khai tiếp quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết.
Như vậy, thời hạn tới năm 2030 chỉ còn 13 năm, chưa đủ điều kiện để hình thành ĐTVT có quy mô lớn như đô thị Hòa Lạc. Do vậy, đề xuất giai đoạn phát triển đợt đầu đến năm 2025 (theo lộ trình giai đoạn 10 năm) và thời hạn quy hoạch đến năm 2030 và các năm tiếp theo.
Theo bà, nên xây dựng kiến trúc cảnh quan ra sao để thu hút được khoảng 500.000 người đến ĐTVT Hòa Lạc?
– Cần khắc phục sự bất lợi về mặt địa lý do cách xa khu vực nội đô và tận dụng lợi thế về mặt tự nhiên để thu hút việc di dân. Tổ chức kiến trúc cảnh quan của đô thị Hòa Lạc thành 7 vùng cảnh quan theo định hướng được quy hoạch chung Thủ đô phê duyệt. Thúc đẩy du lịch tại khu vực núi Ba Vì, núi Viêm Nam, sông Tích, hồ Đồng Mô và hồ Tân Xá phục vụ cho cộng đồng và lao động trong ngành dịch vụ du lịch. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng ĐTVT Hòa Lạc thành đô thị “thông minh” để hút nguồn nhân lực trình độ cao.
Đây là khu vực có khả năng phát triển cao bởi Đại lộ Thăng Long trực tiếp nối Hòa Lạc với nội đô. Gấp rút hoàn thiện Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội để di chuyển sinh viên ra khỏi nội thành nhanh chóng.
Xây dựng trung tâm đô thị Hòa Lạc tại khu vực giao cắt của Đại lộ Thăng Long và QL21, theo mô hình đô thị nén, chủ yếu phát triển nhà cao tầng. Tiếp tục xây dựng Khu du lịch nghỉ dưỡng Đồng Mô, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam để tạo việc làm cho người dân.
Đồng thời đầu tư xây dựng khu đô thị mới phía Đông đường Hồ Chí Minh, xây dựng các khu đô thị mới hiện đại và đồng bộ, khuyến khích phát triển mật độ cao. Phía Tây đường Hồ Chí Minh kiểm soát phát triển, ưu tiên xây nhà ở mật độ trung bình và thấp tầng, với công trình công cộng và nhà ở hỗn hợp nên bố trí một số công trình cao tầng giải quyết nhu cầu chỗ ở cho dân cư tại chỗ và dân nhập cư.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *