Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (ViEF) 2018, TS. Võ Trí Thành nhận định: “Vấn đề của Việt Nam không phải là nguồn vốn mà là cách thức lưu chuyển dòng vốn”. Nói cách khác, cái thiếu hiện nay là cách vận hành dòng vốn để nó chảy đến đúng chỗ đang cần.
Để trả lời câu hỏi, nguồn vốn dài hạn có vai trò như thế nào với một nền kinh tế, và giải pháp nào cho thị trường vốn Việt Nam trong thời gian tới, CafeLand đã có buổi trò chuyện với TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển, giảng viên chính sách công của Đại học Fulbright, về chủ đề này bên lề Diễn đàn ViEF 2018.
Krish Nguyen: Xin ông cho biết việc thiếu hụt nguồn vốn dài hạn ảnh hưởng tiêu cực như thế nào tới nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua và thời gian tới?
TS. Nguyễn Xuân Thành: Việc thiếu nguồn vốn dài hạn ảnh hướng rất lớn tới một nền kinh tế muốn phát triển bền vững. Thứ nhất, việc chúng ta phải lệ thuộc vào tín dụng ngân hàng làm kênh cung cấp nguồn vốn chính cho doanh nghiệp là một rủi ro lớn cho nền kinh tế. Bởi về bản chất, vốn huy động của các ngân hàng thương mại 70% vẫn là vốn ngắn han, nhưng lại chịu áp lực cho vay trung và dài hạn. Dù đã có các quy định liên quan tới giới hạn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, nhưng trên thực tế, ngân hàng luôn phải đối mặt với rủi ro mất cân đối kỳ hạn trong cấp tín dụng cho nền kinh tế.
Thứ hai, việc không đảm bảo được nguồn vốn trung dài hạn cho nền kinh tế dẫn tới hệ luỵ xuất hiện thị trường tín dụng đen. Thực chất tín dụng đen là đi từ tín dụng chính thống khi kênh này không tạo được đủ nguồn vốn cho nền kinh tế cộng với khả năng tiếp cận vốn chính thức khó.
Việc thiếu nguồn vốn dài hạn gây khó khăn cho việc hoạch định nền kinh tế phát triển theo chiều sâu. Cụ thể, không có nguồn vốn dài hạn thì không thể có các chiến lược lâu dài, không có vốn đề đầu tư phát triển kinh doanh dài hạn, vì vậy khó phát triển nền kinh tế theo chiều sâu.
Vậy theo ông, giải pháp cho thị trường vốn của Việt Nam trong thời gian tới là gì?
Trước tiên, cần xác định phát triển thị trường vốn là định hướng tái cấu trúc, phát triển thị trường vốn dài hạn, giảm dần tỷ trọng vốn từ ngân hàng, tăng nguồn vốn từ các tổ chức phi ngân hàng, từ thị trường vốn, mà đầu tiên là thị trường cổ phiếu.
Chúng ta có quyền tự hoà giá trị vốn hoá đã tăng mạnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng thị trường cổ phiếu của chúng ta còn nhiều điểm chưa minh bạch. Cụ thể là tình trạng chào bán cổ phiếu bị thao túng. Điều này làm nản lòng các nhà đầu tư tổ chức và cả nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Vì vậy, theo tôi, thời gian sắp tới, gánh nặng cho cơ quan quản lý nhà nước phải có các hình phạt tương xứng để giảm tình trạng thao túng thị trường cổ phiếu. Cùng với đó là việc siết chặt hơn quy định về việc công bố thông tin, nhằm minh bạch hoá thông tin doanh nghiệp.
Sau thị trường cổ phiếu là trái phiếu. Chúng ta có thể thấy, thời gian qua chủ yếu trái phiếu doanh nghiệp thực chất vẫn là tín dụng trá hình, trái phiếu phát hành ra, người mua lại vẫn là các ngân hàng thương mại.
Vậy phải làm sao để trái phiếu ra được thị trường, thưa ông?
Theo tôi, cần có cơ quan định giá tín nhiệm. Tuy nhiên, để có cơ quan định giá tín nhiệm trong nước là điều khó khăn và cần thời gian. Còn nếu dùng các tổ chức quốc tế như Moody’s hay Standard & Poor’s thì lại quá tốn kém và chỉ những đợt phát hành lớn trái phiếu lớn lên tới trên 100 triệu USD chúng ta mới dám mời họ. Như vậy, dùng các tổ chức nội địa không đủ uy tín, không được tin tưởng, chúng ta có thể xây dựng các tổ chức liên doanh với tổ chức uy tín nước ngoài và dần xây dựng tín nhiệm cho tổ chức trong nước.
Về mặt chính sách, Chính phủ cần bắt buộc các doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải công bố thông tin và buộc phải có xếp hạng tín nhiệm vay nợ do tổ chức có uy tín phát hành. Cùng với đó, các doanh nghiệp phải niêm yết sau khi phát hành trái phiếu, chứ không để tình trạng chỉ có một vài tổ chức nắm giữ thông tin, kèm với đó là việc công bố thông tin công khai.
Một trong những vướng mắc nữa của trái phiếu doanh nghiệp hiện nay là doanh nghiệp chỉ trả nợ khi có các chế tài thoả thuận, trong đó có các thủ tục phá sản. Tuy nhiên, thủ tục phá sản doanh nghiệp của Việt Nam hiện quá rườm rà, gây khó khăn cho nhà đầu tư mua trái phiếu. Vì vậy, cần cải cách đơn giản hoá thủ tục phá sản, để khi doanh nghiệp không thể trả nợ, nhà đầu tư sẽ sớm được đòi lại quyền lợi qua phá sản doanh nghiệp.
Trên đây là giải pháp cho phát triển thị trường trái phiếu và cổ phiếu ở Việt Nam. Tuy nhiên, hai thị trường này thực chất vẫn chỉ dành cho doanh nghiệp lớn của Việt Nam. Vì doanh nghiệp lớn mới phát hành được trái phiếu, niêm yết cổ phiếu. Còn doanh nghiệp nhỏ và vừa thì sao?
Hiện vướng mắc lớn nhất của SME là không tiếp cận được vốn ngân hàng. Vì vậy, giải pháp cho nhóm này là cần phát triển thị trường Fintech, áp dụng công nghệ mới trong cho vay với doanh nghiệp SME, để những tài sản doanh nghiệp này không thể đem thế chấp ngân hàng vay vốn thì có thể dùng thế chấp ở đây để vay vốn sản xuất kinh doanh.