PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng nếu đầu tư công “bơm máu” chậm sẽ gây nên khát vốn, chuyển gánh nặng lên phía ngân hàng, thị trường tài chính.

1 18

Ông Thiên cho rằng, nếu đầu tư công “bơm máu” chậm sẽ gây nên khát vốn, chuyển gánh nặng lên phía ngân hàng, thị trường tài chính.

Phải căn cứ vào nợ xấu

Tại Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay do Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì chiều qua (12.9), ông Thiên cho rằng, tổng thể nền kinh tế vĩ mô Việt Nam đang tăng trưởng tốt.

Song, Báo cáo của Chính phủ cho thấy bức tranh của doanh nghiệp mặc dù có nhiều điểm sáng nhưng cũng có sự bào mòn sức lực của các doanh nghiệp, dòng tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn… Có nghĩa là vẫn đang tiềm ẩn những vấn đề đáng lo ngại.

“Chúng ta giữ được mạch của nền kinh tế thế giới. Tôi cho rằng điểm này phải nhấn mạnh vì nếu không giữ được mạch của nền kinh tế thế giới thì xuất nhập khẩu, cũng như FDI – hai động lực quan trọng nhất của tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam không giữ được”, ông Thiên nói.

Chuyên gia này cho rằng, nên hiểu là khi nhấn mạnh khu vực ngoài, có nghĩa là khu vực công, chúng ta phải có một sự chú ý đặc biệt, nếu không sẽ thiên lệch.

“Chúng tôi thấy rằng, tổng thể tốt – rõ ràng là bài học rất quan trọng trong việc chống lạm phát, xác định rõ nguyên nhân chính là chi phí đẩy thì tập trung sử dụng công cụ tài khóa.

Và còn tốt hơn nữa nếu phần đầu tư công “bơm máu” ra được cho nền kinh tế. Nếu đầu tư công “bơm máu” chậm, kém sẽ gây nên khát vốn, chuyển gánh nặng lên phía ngân hàng, thị trường tài chính”, ông Thiên nhấn mạnh.

Theo chuyên gia này, phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ là khâu quyết định bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô không gây ra những căng thẳng cho nền kinh tế. Đây là bài học cực kỳ quan trọng. Cuộc họp của Ngân hàng Nhà nước gần đây đã nhìn nhận được. Do vậy, ông cho rằng, Chính phủ nên có một đánh giá tương quan, cần phải tiếp tục “bơm máu” cho nền kinh tế.

Đối với 3 yếu tố: đầu tư công, thị trường vốn dài hạn và cho vay ngắn hạn, cần làm như thế nào để không mất cân đối. Nguyên Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhìn nhận, đây là điểm mấu chốt cho ổn định tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới. Căng thẳng về room tín dụng như truyền thông đưa gần đây, không hẳn chỉ là câu chuyện của ngân hàng mà cho thấy việc đầu tư công phải mạnh hơn nữa và thị trường vốn phải vận hành tốt hơn nữa.

Chúng ta phải nhìn thấy được cơ hội của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có nhiều vấn đề như khủng hoảng về năng lượng, lương thực… Đây cũng có thể là cơ hội đáng để chúng ta phải nhận diện được để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực, khu vực này. Khi thế giới đang gặp khó khăn, chúng ta không nên chỉ nhìn khía cạnh gay go mà ở cả khía cạnh tích cực, để có chính sách hỗ trợ các khu vực có thể giúp cho nền kinh tế phục hồi tốt hơn.

Điểm cuối cùng, vị này cho rằng chúng ta không chỉ nên lo tăng trưởng mà cần chú ý đến yếu tố nợ xấu. Bơm tiền hay không bơm tiền ra đều phải căn cứ vào nợ xấu, có thể không bơm tiền chưa chắc đã giảm nợ xấu, mà nếu chúng ta bơm tiền ra đúng đối tượng, những doanh nghiệp tốt, dự án tốt thì vẫn xử lý giúp cho ngành ngân hàng trong điều kiện hiện nay.

“Tôi xin nhấn mạnh cơ hội chúng ta đang có những điểm tích cực, chúng ta không nên bi quan mà nên nắm được cơ hội này. Có lẽ đây là thời điểm hiếm khi có tình thế như thế này”, ông Thiên nhấn mạnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *