Nhiều quy định mới tại Nghị quyết 42 đang tạo cơ hội cho thị trường mua bán nợ phát triển nhanh hơn như cho phép VAMC không chỉ bán cho tổ chức có chức năng mua bán nợ mà còn có thể bán cho các tổ chức cá nhân có nhu cầu mua bán.

Dốc sức xử lý nợ xấu

Ông Đoàn Văn Thắng
Nghị quyết 42 (NQ 42) về thí điểm xử lý nợ xấu (XLNX), sau 2 tháng có hiệu lực thi hành, tiến độ XLNX của hệ thống NH diễn ra như thế nào. Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với TS. Đoàn Văn Thắng, Tổng giám đốc VAMC xung quanh vấn đề này.
NQ 42 đã được tổ chức triển khai như thế nào thưa ông?
Chúng tôi đánh giá rất cao sự quyết liệt của NHNN trong việc triển khai NQ 42. Ngay sau khi văn bản quan trọng này được ban hành, Thống đốc đã chủ chỉ đạo các đơn vị, vụ, cục liên quan, các TCTD, trong đó có VAMC triển khai nghị quyết một cách rốt ráo, quyết liệt.
Trước đó, để đảm bảo việc thực hiện nghị quyết một cách hiệu quả nhất, Thống đốc đã ban hành nhiều văn bản quan trọng như Quyết định 1533 về việc ban hành kế hoạch hành động của ngành NH thực hiện đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với XLNX giai đoạn 2016 – 2020; Thông tư số 09 sửa đổi bổ sung một số điều Thông tư 19 quy định việc mua, bán và XLNX của VAMC… Các văn bản của NHNN tạo ra hành lang pháp lý khá đầy đủ cho VAMC và TCTD mạnh dạn hơn trong quá trình XLNX.
Với tinh thần triển khai nhanh, quyết liệt của NHNN, VAMC cũng như các TCTD đã có ngay văn bản chỉ đạo trong hệ thống như Agribank, BIDV… triển khai đồng bộ các giải pháp XLNX. Từ tháng 8/2017 (thời điểm NQ 42 có hiệu lực) đến nay, VAMC phối hợp với TCTD thu hồi khoảng 5.000 tỷ đồng nợ xấu. Như vậy, từ đầu năm đến nay VAMC đã thu hồi được 16 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế từ 2013 đến nay phối hợp TCTD xử lý khoảng 66 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
Dốc sức xử lý nợ xấu
VAMC phối hợp với MaritimeBank và DongA Bank thu giữ Saigon One Tower tại TP. Hồ Chí Minh
Thực tế cho thấy sau khi NQ 42 có hiệu lực, việc thu giữ tài sản của VAMC tốt hơn rất nhiều. Trước đây TCTD cũng như VAMC thu giữ trên cơ sở Nghị định 163, tuy nhiên tốc độ xử lý vẫn còn chưa được như mong muốn do quyền của chủ nợ vẫn yếu thế. Còn NQ 42 đã bảo vệ chủ nợ tốt hơn và một lần nữa khẳng định quyền thu giữ tài sản đảm bảo.
Ngay khi NQ 42 có hiệu lực, VAMC đã phối hợp với hai NH là MaritimeBank và DongA Bank thu giữ thành công tài sản Saigon One Tower tại TP. Hồ Chí Minh với giá trị gốc và lãi hơn 7.000 tỷ đồng. Hiện tại, VAMC đang nhận được nhiều đề nghị hỗ trợ thu giữ tài sản từ các TCTD như Agribank, VPBank, VietBank… Đây là chuyển động rất tốt trong quá trình XLNX.
Một tín hiệu tích cực nữa liên quan đến mua bán nợ xấu theo giá thị trường. Từ khi nghị quyết có hiệu lực đến nay, VAMC đã giao dịch thành công 2 khoản nợ có giá trị hơn 200 tỷ đồng của 2 NHTM. VAMC đã phối hợp với một số TCTD thực hiện ký hợp tác xử lý, mua bán nợ như BIDV, Sacombank sắp tới là Agribank.
Hy vọng từ giờ đến cuối năm 2017, khi được cấp đầy đủ vốn điều lệ thì chúng tôi sẽ mua ít nhất khoảng hơn 2.000 tỷ đồng nợ xấu theo giá thị trường.
Nhiều quy định mới tại NQ 42 đang tạo cơ hội cho thị trường mua bán nợ phát triển nhanh hơn như cho phép VAMC không chỉ bán cho tổ chức có chức năng mua bán nợ mà còn có thể bán cho các tổ chức cá nhân có nhu cầu mua bán. Chưa kể, theo điều 6.3 tại NQ 42 cho phép TCTD và VAMC thỏa thuận mua nợ theo định giá của công ty định giá độc lập, phần lợi nhuận hai bên chia sẻ theo thỏa thuận…
Với số vốn hiện nay, liệu VAMC có đủ năng lực mua bán nợ xấu theo giá thị trường được liên tục hay không?
Chắc chắn trong năm 2017, Chính phủ và NHNN sẽ cấp đủ vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng để chúng tôi thực hiện mua bán nợ xấu như kế hoạch đề ra. Bởi đang có nhiều khoản nợ được chúng tôi nhắm tới, chỉ còn đợi vốn để triển khai. Còn chiểu theo Quyết định 1058, sang năm 2018 VAMC được cấp đủ 5.000 tỷ đồng và tới năm 2020 là 10 nghìn tỷ đồng.
Chúng tôi cho rằng, trong khi các nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp thì đây sẽ là hỗ trợ rất lớn đối với VAMC. Tuy nhiên, VAMC hy vọng, cùng với nguồn lực hiện có và thông qua khả năng thực hiện huy động vốn của mình từ các tổ chức, cá nhân đặc biệt nhất là tổ chức nước ngoài theo quy định được cho phép, chúng tôi sẽ có đủ nguồn lực để XLNX một cách tốt hơn, triệt để hơn.
Tâm lý của khách hàng có chuyển biến sau khi NQ 42 được ban hành không thưa ông?
Ngay trong lần thu giữ tài sản đầu tiên là Saigon One Tower, VAMC nhận được sự hợp tác của khách hàng trong việc tự nguyện ký bàn giao tài sản. Mặc dù, theo quy định của NQ 42, nếu khách hàng không tự nguyện ký biên bản, chỉ cần UBND xã, phường, công an địa phương ký là VAMC đã có thể thực hiện được.
Bởi, NQ 42 là văn bản pháp luật cao nhất từ trước đến nay đối với hệ thống TCTD chỉ sau Luật Các TCTD, NHNN và quy định, khẳng định quyền của chủ nợ cần được bảo vệ.
Hy vọng khi quyền chủ nợ các NH cũng như VAMC được khẳng định và đề cao, sự tuân thủ khách hàng tốt hơn. Chúng tôi luôn mong muốn mọi việc diễn ra êm đẹp, vì vậy đề cao việc chủ động hợp tác từ phía khách hàng.
Về phía mình, bản thân VAMC, TCTD cũng sẽ hỗ trợ tích cực nhất có thể cho khách hàng như: xem xét việc tiếp tục thực hiện cơ cấu nợ theo hướng kéo dài thời gian trả nợ, điều chỉnh kỳ hạn rồi miễn giảm lãi, thậm chí hỗ trợ tài chính cho khách hàng. Nếu có sự hợp tác tích cực, khoản nợ thu được sẽ tốt nhất, giá trị thu về cao, nghĩa vụ trả nợ của khách hàng giảm đi rất nhiều.
Vậy sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong quá trình XLNX như thế nào?
Đối với các bộ, ngành liên quan, những năm vừa qua, VAMC đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ toà án cũng như là đơn vị thi hành án để giảm thiểu khó khăn cho TCTD. Tuy nhiên trong thực tế, việc XLNX của VAMC gặp nhiều khó khăn. Hiện tại một số bộ, ngành vẫn chưa có văn bản này, mặc dù NQ 42 đã có quy định các bộ, ngành cần sớm có văn bản hướng dẫn triển khai cụ thể.
Đơn cử, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhanh chóng hướng dẫn việc đăng ký thủ tục, thế chấp cho khoản nợ mà VAMC đã mua được. Hay như Toà án Nhân dân tối cao có hướng dẫn cụ thể việc xử lý theo hướng rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu của VAMC, TCTD tại tòa.
Một cái khó nữa, theo quy định tại Khoản 3, Điều 317 và khoản 4 Điều 323 Bộ Luật tố dụng dân sự năm 2015, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn, nếu xuất hiện tình tiết mới mà các bên đương sự không thống nhất làm cho vụ án không đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn thì Tòa án phải ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường.
Mà đối với các trường hợp khách hàng bất hợp tác rất dễ xảy ra việc họ cố tình tạo ra các tình tiết mới mà giữa TCTD hoặc VAMC và khách hàng, các bên liên quan không thể thống nhất được nhằm kéo dài thời gian giải quyết vụ việc. Vì vậy, nếu không có hướng dẫn cụ thể đối với các quy định trên, việc áp dụng các thủ tục rút gọn tại NQ 42 khó thực hiện trong quá trình triển khai thực tế.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *