Tại Hội thảo “Thuế tài sản và một số gợi ý chính sách cho Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội chiều 26/6, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico, đề xuất nên miễn thuế cho người nghèo và chỉ đánh vào tài sản có giá trị lớn.
24 5

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico phát biểu tại hội thảo

Ông Đức cho rằng, nếu đánh thuế tài sản thì phải tiếp cận từ góc độ toàn bộ tài sản, sau đó mới loại trừ tài sản nào đánh thuế, tài sản nào không. “Nếu chỉ đánh thuế nhà đất thì phải gọi đúng là “thuế bất động sản và quyền sử dụng đất” vì không đánh vào đất và không chỉ đánh vào nhà”, ông Đức lý giải. Theo ông, hiện dự thảo đang tách rời nhà và đất nhưng nếu đánh thuế cần cộng dồn cả nhà và đất.

Tại hội thảo, vị chủ tịch Basico đưa ra một số trường hợp loại trừ đánh thuế, gồm các trường hợp đã đánh thuế thu nhập (thuế thu nhập cá nhân), đã đánh thuế giao dịch (thuế giá trị gia tăng) và đối với cổ tức là tài sản đã đánh thuế thu nhập.

Việc đánh thuế tài sản, theo ông Đức, không nên đánh vào mọi người, mọi tài sản, mọi giá trị và cào bằng mức nộp thuế. Đánh thuế tài sản phải hướng đến đối tượng có khả năng nộp thuế, tức người giàu có và có thể miễn thuế cho người nghèo. Thuế tài sản cũng chỉ đánh vào tài sản có giá trị lớn (có thể miễn thuế với một diện tích tối thiểu) và có thể đánh lũy tiến với khởi điểm rất thấp. Mức thuế thấp nhất có thể là 0,1%, tối đa là 10% với người nhiều tài sản.

Ông Đức lấy ví dụ, người sở hữu căn nhà 10 tỉ đồng thì việc đánh thuế là đương nhiên. Nhưng đối với trường hợp sở hữu 2 căn nhà trị giá 1 tỉ đồng, trong đó có một căn dùng để ở, một căn để cho thuê thì việc đánh thuế là không hợp lý. Bởi lẽ căn nhà cho thuê đã phải chịu nhiều loại thuế như thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng.

Vị luật sư này cho rằng, để việc đánh thuế đảm bảo công bằng, cần xây dựng một cơ sở dữ liệu thông tin chuẩn xác về nhà, đất, chủ sở hữu nhà, đất đó. Tránh trường hợp người có 10 căn nhà nhưng nộp thuế lại thấp hơn người có 1 căn nhà.

Ông Đức cũng cho rằng, chỉ nên đánh thuế tài sản có giá trị từ 5 tỉ đồng trở lên. Mức đánh thuế này cao gấp nhiều lần so với đề xuất đánh thuế nhà ở có giá trị trên 700 triệu đồng mà Bộ Tài chính đưa ra trước đó.

“Hiện Bộ Tài chính đề xuất mức thuế với nhà là 0,4% và với đất cũng là 0,4%. Mức đề xuất này là cào bằng giữa người có thu nhập cao và thu nhập thấp. Việc áp dụng mức thuế như nhau là không công bằng và không đạt được mục tiêu đánh thuế”, ông Đức nhấn mạnh và kiến nghị việc đánh thuế cần tránh tình trạng “thuế chồng thuế”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *