“Chia sẻ thất bại” là phương pháp tháo gỡ cho các dự án BOT – đó là quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức chuyên gia JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản).

Đến thời điểm hiện tại, bất ổn trong các dự án BOT đã tạm lắng, tuy nhiên, nếu không được giải quyết một cách triệt để thì những bất ổn này sẽ bung ra bất cứ lúc nào.

41 5

TS. Nguyễn Hữu Đức

Là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực giao thông, ông hãy cho biết “bức tranh” BOT ở thời điểm hiện tại?

Trước hết, tôi xin khẳng định lại, BOT là một chủ trương lớn và hợp lý. Bởi vì khi phát triển cơ sở hạ tầng hệ thống giao thông, chúng ta cần một lượng vốn rất lớn. Trong khi lượng vốn vay nước ngoài thì ngày càng ít đi, nhất là vốn ODA… thì việc huy động nguồn vốn vay theo hình thức BOT là điều nên làm.

Trên thế giới đã có một số nước thực hiện chủ trương này thành công, nhưng ở Việt Nam khi thực hiện BOT lại xảy ra hàng loạt bất ổn. Có những giai đoạn BOT trở thành chủ đề nóng trên rất nhiều diễn đàn, người dân đồng loạt phản đối dự án BOT.

Vậy nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là gì, thưa ông?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những bất ổn tại các trạm BOT. Nguyên nhân đầu tiên là do có một số trạm BOT được đặt không đặt đúng chỗ, một số dự án chỉ làm hoặc trải thảm mặt đường như lại thu phí như đường mới, đây là cách làm mang tính chất tận thu. Điển hình cho trường hợp BOT đặt nhầm chỗ có thể kể đến trạm BOT Cai Lậy.

Ngoài ra, khi tham gia vào các dự án BOT, người dân sẵn sàng trả tiền trên số km mà mình đi. Tuy nhiên, một số chủ đầu tư lại cho rằng họ đã đi qua “phạm vi” dự án và phải trả tiền cho toàn bộ dự án thì không ổn.

Về mặt nguyên tắc, khi xây dựng các dự án BOT, chủ đâu tư phải lấy ý kiến người dân, đây chính là những người sử dụng dịch vụ này. Nhưng thực tế, nhiều chủ đầu tư thường “quên” lấy ý kiến người sử dụng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng tạo nên những bất ổn.

Ông có đề xuất gì để giải quyết dứt điểm về những tình trạng trên?

Xét trên góc độ nguyên tắc thì sai đến đâu sẽ phải sửa đến đó. Nhưng với các dự án BOT của chúng ta thì dường như nguyên tắc này không được áp dụng. Chúng ta có thể dễ dàng tìm ra cái sai nhưng lại rất khó để có thể sửa được những cái sai đó. Ví dụ như ở trạm BOT Cai Lậy, nhiều chuyên gia đã tìm ra cái sai là đặt trạm nhầm chỗ nhưng nếu di chuyển trạm thì lại không có người đi qua…

Trước tình thế đó, một giải pháp được đưa ra chính là miễn phí, giảm phí tại các trạm BOT. Nhưng đây chỉ là biện pháp tạm thời và đẩy rủi ro sang phía ngân hàng, mà vấn đề cốt lõi là “đặt nhầm trạm” lại không được giải quyết. Vì vậy, đối với những dự án quá bất cập, cách tốt nhất là các bên đều phải chịu hi sinh, chịu phần thiệt về mình.

Khi người dân nhìn thấy các chi phí tiết kiệm như: thời gian, xăng, hao mòn máy móc… từ việc sử dụng BOT, họ sẽ ủng hộ và tham gia.

Về phía nhà đầu tư phải chấp nhận bỏ lại phần lãi, chỉ thu phần vốn về. Phía ngân hàng chỉ coi như đây là vốn nợ xấu để rút, số còn lại nhà nước bỏ tiền ra mua. Nếu như trước đây, cả nhà nước, ngân hàng và nhà đầu tư đều hi vọng có lợi từ BOT thì bây giờ khi rủi ra xảy ra cả ba bên nên cùng nhau “chia sẻ thất bại”.

Một trong những dự án BOT nổi bật và được quan tâm nhất ở thời điểm hiện tại chính là dự án đường cao tốc Bắc – Nam. Ông nhìn nhận như thế nào về khả năng thu hút nhà đầu tư của dự án này?

Được biết, Bộ Giao thông-Vận tải sẽ tiến hành đấu thầu công khai toàn bộ 11 dự án của cao tốc Bắc – Nam. Để làm được dự án này nhà nước phải huy động 63.716 tỷ đồng vốn trong xã hội cho dự án trị giá 118.716 tỷ đồng này. Tuy nhiên, sau những bất ổn vừa qua, cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu từ nước ngoài đề tỏ ra lo ngại.

Ông có đề xuất như thế nào để giải quyết những khó khăn trên?

Nếu như làm cao tốc Bắc-Nam chúng ta chỉ chăm chăm vào BOT thì rất khó. Trong trường hợp nhà đầu tư không “mặn mà” thì nhà nước có thể đứng ra để huy động vốn. Vấn đề là làm sao để người dân nhìn thấy lợi ích để thúc đẩy họ tham gia.

Mới đây, VCCI có đề xuất cách tính BOT theo chi phí tiết kiệm. Ông nghĩ sao về giải pháp này?

Đây là một đề xuất đáng nghiên cứu bởi ở cách tính này những người đi vào việc sử dụng đã nhìn thấy được “chi phí tiết kiệm”. Cách tính chi phí tiết kiệm không có gì khó khăn. Trong phép tính đó, các tham số tiết kiệm hoàn toàn có thể tính được. Khi người dân nhìn thấy các chi phí tiết kiệm từ việc sử dụng BOT, họ sẽ ủng hộ và tham gia.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *