Do nhu cầu trong nước suy yếu, các tập đoàn năng lượng Trung Quốc tích cực bán lại cho châu Âu số khí hóa lỏng họ đã mua.

Nguồn tin của Bloomberg cho biết hãng dầu khí quốc gia Trung Quốc CNOOC đang chào bán một lô khí hóa lỏng (LNG) nhập từ North West Shelf (Australia) tháng 11 năm ngoái. Trước đó, Sinopec và PetroChina cũng chào bán lại các lô LNG nhập từ Mỹ cho châu Âu.

LNG từ Trung Quốc được cho là sẽ xoa dịu phần nào cơn khát khí đốt cho châu Âu, nơi ngày càng thiếu nguồn cung từ Nga. Giá khí đốt ở châu Âu và châu Á đang giao dịch ở mức kỷ lục so với thời điểm này mọi năm, buộc các chính phủ phải tìm biện pháp bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Trung Quốc là nước mua LNG hàng đầu thế giới năm 2021. Tuy nhiên, các chính sách chống dịch nghiêm ngặt và suy thoái kinh tế khiến cho nhu cầu tiêu thụ tại đây giảm hơn 20% trong năm nay.

Các hãng nhập khẩu LNG nhỏ hơn tại Trung Quốc, như ENN Energy Holdings hay JOVO Group, cũng đã tích cực chào bán các lô hàng của mình, giao tại các cảng ở châu Á.

Theo Nikkei, hơn 4 triệu tấn LNG của Trung Quốc có thể đã được bán lại – chiếm khoảng 7% tổng lượng nhập khẩu của châu Âu trong nửa đầu năm nay. Truyền thông nước này đưa tin Sinopec đã bán 45 lô khí đốt trên thị trường quốc tế.

987456

Các bồn chứa LNG tại cảng Thiên Tân, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Cuối tháng trước, Bloomberg còn ghi nhận các thương nhân châu Á thực hiện một phương thức hiếm thấy là dồn khí đốt thừa từ các lô hàng của mình, gộp thành một lô đầy đủ bán lại cho khách Âu.

Theo đó, sau khi khí đốt nhập từ Australia và Oman được chở đến Đông Bắc Á, phần thừa sẽ được gộp lại trên một tàu duy nhất để bán cho châu Âu hoặc một người mua khác ở châu Á. Việc các tàu chuyển khí đốt cho một tàu duy nhất được tiến hành ngay trên biển.

Tháng trước, sau khi 3 tàu chở LNG là Patris, Seapeak Glasgow và Kinisis đến Đông Bắc Á giao một phần lượng hàng, họ đi xuống vùng biển ngoài khơi Malaysia. Tại đây, họ gặp và giao phần khí đốt còn lại cho tàu Attalos. Sau đó, tàu Attalos di chuyển đến châu Âu giao hàng, với hai lô khí đốt được xác định nguồn gốc là từ Australia và Qatar.

Một trường hợp khác là tàu British Partner của Anh. Tàu này nhận khí đốt từ hai tàu là Flex Resolute và Flex Aurora. Trong đó, Flex Resolute chở LNG Oman và giao cho Ấn Độ tại cảng Dahej, sau đó giao phần còn lại cho British Partner. Tàu Flex Aurora thì giao hàng cho Nhật Bản vào tháng 7 trước khi vòng xuống Malaysia giao dịch.

Khác với dầu mỏ – mặt hàng đã quá quen với việc pha trộn nhiều loại và thường xuyên được vận chuyển từ tàu này sang tàu khác ngay trên biển, việc trộn LNG ít được thực hiện do các loại khí có nguồn gốc khác nhau có thể gây ra áp suất nguy hiểm trong bể chứa nếu không được xử lý đúng cách.

Vì vậy, trước đây, việc gom LNG từ các nguồn thừa thành một lô đủ được xem là lãng phí thời gian và tiền bạc. Tuy nhiên, việc cách này hiện được áp dụng đã cho thấy mức độ khủng hoảng của nguồn cung khí đốt. Trong đó, thiếu hụt ở châu Âu đã khiến nhu cầu về LNG tăng vọt và đẩy giá khí đốt lên mức kỷ lục, khiến việc sang chiết này trở thành một lựa chọn sinh lời.

Thậm chí, trong điều kiện nguồn cung eo hẹp, người bán còn bơm vào ít khí nhất có thể để lợi nhuận tối đa. Bởi lẽ, các hợp đồng LNG cho phép người bán có thể giao một khối lượng khí có thể ít hơn 5% so với thực tế, theo một điều khoản được gọi là mức dung sai tối thiểu.

“Hoạt động vận chuyển LNG từ tàu sang tàu ở Đông Nam Á dự kiến vẫn diễn ra khi các công ty tìm cách giải quyết vấn đề thiếu hụt năng lượng ở châu Âu”, Felix Booth, Trưởng bộ phận LNG tại Vortexa, đánh giá.

Xem thêm tại

Krish Nguyen

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *