Vì sao lại đi từ quận 7?

Theo phương án mới, dự án cầu Cát Lái dài 13,7 km, riêng phần cầu là 3,5 km. Công trình có điểm đầu trên đường trục Bắc – Nam TP HCM, đi về phía Đông vượt rạch Dĩa, cắt đường Nguyễn Lương Bằng và Huỳnh Tấn Phát, trùng tuyến Hoàng Quốc Việt. Cầu sau đó vượt sông Đồng Nai qua các xã Phú Hữu, Phú Đông huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), rồi nối vào cao tốc Bến Lức – Long Thành.

Theo lý giải của Sở GTVT TP.HCM, phương án này hợp lý bởi sẽ ra tạo mạng lưới giao thông mới, thu hút xe từ trung tâm thành phố, biển Cần Giờ thông qua tuyến Metro Số 4 và các đường lớn như Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Lương Bằng qua huyện Nhơn Trạch, sân bay Long Thành (Đồng Nai) và ngược lại.

Một số ý kiến đồng tình phương án này cũng cho rằng, dù phương án mới kinh phí xây dựng cầu sẽ cao hơn nhưng bù lại dự án sẽ triển khai nhanh vì dễ giải phóng mặt bằng bởi dự án đi qua nhiều khu đất trống.

29

Một góc đô thị Nhơn Trạch

Việc cầu Cát Lái có thể thay đổi phương án xây dựng đang thu hút sự quan tâm rất lớn của người dân. Bên cạnh nhiều ý kiến đồng thuận, một số cho rằng phương án mới chưa thật sự phù hợp.

Ông Tuấn, một người dân ở Nhơn Trạch cho biết, ông không quan trọng lắm về vị trí xây dựng của cầu Cát Lái nằm ở Thủ Đức hay quận 7 vì mỗi phương án đều có cái được cái mất. Điều ông mong mỏi nhất là dự án sớm được xây dựng và hoàn thành bởi người dân đã chờ đợi cây cầu này quá lâu.

Trong khi đó, anh Thanh (ngụ Thủ Đức) lại cho rằng, tốt nhất cầu Cát Lái nên xây dựng theo phương án cũ, còn sau này có điều kiện sẽ xây dựng thêm một cây cầu khác nối từ quận 7.

Theo anh Thanh, hiện tại khu vực Nam Sài Gòn để kết nối vào trung tâm TP.HCM đã rất khổ sở vì chỉ có vài tuyến đường huyết mạch như Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Hữu Thọ… vào giờ cao điểm thường kẹt xe. Nếu bây giờ đón thêm lưu lượng từ trung tâm ra Nhơn Trạch và ngược lại sẽ quá tải.

Trong khi đó, để kết nối với Nhà Bè, Cần Giờ hay cả khu vực miền Tây thì hiện nay đã có tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành sắp hoàn thành, trong thời gian tới còn có tuyến đường Vành đai 3 được xây dựng.

Chị Yến có nhà ở Nhơn Trạch nhưng hàng ngày vẫn di chuyển vào TP.HCM để làm việc cho biết, không riêng mình chị mà hiện nay rất nhiều người sống ở Nhơn Trạch nhưng làm việc ở TP.HCM và ngược lại. Do đó, cầu Cát Lái nếu được xây dựng ở vị trí cũ sẽ thuận tiện hơn rất nhiều so với việc phải chạy vòng qua quận 7 để vào trung tâm TP.HCM làm việc.

Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, giao thông gồm hai loại giao thông đối nội và đối ngoại. Giao thông đối nối là phục vụ các trục và tuyến trong một đô thị, giao thông đối ngoại là thực hiện nhiệm vụ liên kết vùng.

Với Thủ Đức hay quận 7 thì mỗi khu vực đều có một nhiệm vụ riêng. Chẳng hạn, nếu xây dựng từ phía quận 7 thì là giao thông đối ngoại bởi lưu lượng từ các tỉnh miền Tây sẽ qua thẳng Nhơn Trạch mà không phải đi vòng vào TP. Thủ Đức để đi ra.

Tuy nhiên, ông Khương cũng cho rằng, cầu Cát Lái dù làm ở Thủ Đức hay quận 7 thì đều là “điểm cộng” cho TP.HCM giúp giảm tải lưu lượng hành khách, hàng hoá cho các tuyến giao thông hiện hữu.

Điều quan trọng là cần phải tính toán lại bài toán ngân sách, quy hoạch và mức độ ưu tiên giữa hai khu vực này để quyết định đầu tư phù hợp.

Xem thêm tại

Krish Nguyen

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *